Cảm Nhận Hình Tượng Sóng Và Khát Vọng Tình Yêu Trong Bài Thơ Sóng

Giữa bom đạn của chiến tranh tàn khốc, "Sóng" xuất hiện như một bông hoa lạ giữa rừng thơ kháng chiến, thổi vào đó luồng gió mới mẻ của tình yêu lứa đôi. Là kết quả của chuyến đi thực tế lên biển Diêm Điền năm 1967, bài thơ đã được thai nghén qua bàn tay của một nữ sĩ đã trải qua cả những ngọt ngào và cay đắng của tình yêu, nhưng "Sóng" vẫn tha thiết và tràn đầy khát vọng. Trước Xuân Quỳnh, ca dao đã từng dùng sóng để nói về tình yêu:

"Sóng sậm sình lưng chừng ngoài bể bắc

Giọt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên"

Hay Chế Lan Viên từng tha thiết:

"Anh xa cách em như đất liền xa cách biển

Nửa đêm sâu nằm lắng sóng phương em

Em thân thuộc sao thành xa lạ thế

Sắp gặp em rồi sóng lại đẩy xa thêm"

Có thể nói rằng, Xuân Quỳnh không phải là người đầu tiên mượn sóng để nói lời thương yêu. Vì vậy mà có ý kiển cho rằng: "Sóng đã thể hiện một tình yêu truyền thống như tình yêu muôn đời", một tình yêu gắn với những cung bậc cảm xúc, tình cảm rộng lớn, quy luật muôn đời. Đó là những cung bậc cảm xúc vừa thống nhất vừa đối lập trong tình yêu:

"Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ"

Sóng mang trong mình những đối cực. Các tính từ vừa diễn tả trạng thái khác nhau của sóng trong lòng đại dương, vừa thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau của người con gái đang yêu. Khám phá những đối cực của sóng, Xuân Quỳnh nhận ra quy luật muôn thuở: tình yêu cũng giống như sóng, đó không phải trạng thái tâm lí thuần nhất mà là sự hòa kết những trạng thái tâm lí khác nhau, giống như những thăng trầm trong bản tình ca đôi lứa.

Hình tượng sóng thể hiện tình yêu truyền thống, bởi nó diễn tả khát vọng tình yêu và những điều không thể cắt nghĩa và lí giải:

"Giữa muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?"

"Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau?"

Nhân vật trữ tình nghĩ về sóng là đang suy tư về tình yêu, nương theo sóng để bắt đầu hành trình tìm kiếm nơi khởi nguồn của tình yêu lí giải tình yêu. Câu trả lời vừa là sự thú nhận về sự bất lực của con người trên hành trình tìm kiếm cội nguồn tình yêu, vừa là sự thức nhận sâu sắc về tình yêu là điều huyền diệu của cuộc sống. Con người chỉ có thể cảm nhận chứ không thể truy tìm nơi khởi nguồn cũng như không thể cắt nghĩa được tình y&# 234;u một cách rõ ràng minh bạch. Khát vọng tình yêu xưa nay luôn thế, nó đến một cách rất tự nhiên và mãnh liệt như chưa bao giờ từng có:

"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu

Có khó gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu"

(Xuân Diệu)

Hình tượng sóng luôn song hành cùng nỗi nhớ, sóng biến thành chủ thể của những trái tim yêu nồng nàn:

"Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nghĩ đến anh

Cả trong mơ còn thức"

Điệp từ "sóng" xuất hiện liên tiếp vừa gợi hình những con sóng dâng lên dào dạt, vừa gợi ra nhịp điệu dào dạt, sôi trào mà miên man, sâu lắng của nỗi nhớ thương. Sự tương phản "trên - dưới", "ngày - đêm" khiến nỗi nhớ bao trùm không gian từ tầng sâu cho đến mặt nước, từ ngày dài sang đêm ngắn. Xuân Quỳnh đã phá vỡ các giới hạn để dẫn độc giả vào thế giới vô biên của tâm hồn. Sóng thủy chung như chính tình yêu bất tử của đôi lứa:

"Nơi nào em cũng nghĩ

Chỉ mình anh - một phương"

Nếu không gian địa lí có bốn phương tám hướng khiến con người dễ lạc lòng thì trong không gian tình yêu, em chỉ biết đến một phương duy nhất là phương anh. Đó là bản chất của tình yêu chân chính: nếu sóng chỉ hướng đến bến bờ thì cuộc đời em chỉ mình anh là đủ, tình cảm đó sẽ mãi mãi đi theo em trong suốt cuộc đời. Đó là những sắc thái của tình yêu muôn thuở: có nhớ nhung, có thủy chung, có mâu thuẫn đối lập, tất cả chỉ bởi vì đó là t 36;nh yêu - thứ tình cảm bí ẩn bậc nhất của loài người.

Hình tượng sóng không chỉ thể hiện tình yêu truyền thống mà còn "mới mẻ, hiện đại như tình yêu hôm nay". Đó là bởi con sóng của Xuân Quỳnh đã táo bạo, chủ động dấn thân để đi tìm tình yêu:

"Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể"

Vượt thoát khỏi không gian hẹp của con sông, sóng - người con gái đã chủ động vươn mình để tìm tới biển rộng, để tìm bằng được tình yêu chân chính. Phải chăng con người muốn tới tình yêu phải vượt qua những giới hạn cá nhân chật hẹp để tìm ra biển lớn, kiếm tìm sự đồng điệu và sẻ chia? Không những thế, con sóng ấy còn rất mực mãnh liệt trong việc bày tỏ nỗi nhớ và tình yêu của chính mình:

"Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức"

Hai câu thơ như con sóng xuyên qua cõi mộng và cõi thực, nỗi nhớ không chỉ ẩn hiện trong ý thức mà còn sâu trong tiềm thức để hiện ra trong mỗi giấc mơ. Cái dào dạt, sôi trào của nỗi nhớ như khiến cảm xúc tràn bờ, như dồn dập để biểu đạt cho trọn tình yêu. Cảm xúc ấy gặp gỡ với lời tự bạch của nữ sĩ trong "Tự hát":

"Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

Biết ngừng đập một đời không thể nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi"

Dẫu vậy nhưng tình cảm nhiều khi khó nói, trái tim dẫu có giàu lòng trắc ẩn đến đâu cũng khó tránh khỏi những lo âu:

"Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa"

Bên cạnh sự nồng nàn, tha thiết, thơ Xuân Quỳnh thoáng dự cảm về những điều bất trắc: "Hôm nay yêu mai có thể xa rồi". Nhà thơ nhận thấy cuộc đời tuy dài nhưng vẫn có điểm kết thúc, biển cả tuy rộng mà vẫn có bờ và tình yêu con người không phải vĩnh viễn. Nó có thể biến đổi, nhạt phai trong dòng chảy thời gian. Nhưng khát vọng tình yêu lại kéo nữ sĩ về với niềm tin trong sáng và trọn vẹn về tình yêu: hàng nghìn con sóng vẫn vượt qua khoảng cách để đến bờ, đ ;ám mây mong manh vẫn xuyên qua năm tháng và sự rộng dài của biển cả đã xây dựng niềm tin về tình yêu - là hành lí con người mang theo suốt cuộc đời để phá vỡ mọi giới hạn trong cuộc sống. Niềm tin đó không xuất phát từ sự ảo tưởng, bồng bột mà là sự thức nhận sâu sắc về những quy luật của đời sống, cho nên nó tha thiết và cháy bỏng để tình yêu trở nên trọn vẹn.

Hình tượng sóng là một sáng tạo đặc sắc của nữ sĩ với một vẻ đẹp toàn diện. Sóng không được vẽ ra bằng đường nét, hình ảnh mà được tái hiện qua âm điệu độc đáo với vần thơ năm chữ, lối gieo vần dãn cách, lối ngắt nhịp linh hoạt (2/3, 3/2, 1/2/2) gợi những đợt sóng liên tiếp nhau. Mang vẻ đẹp nữ tính, mọi đặc điểm và tính cách của sóng được quy chiếu về tính nữ, hướng tới cắt nghĩa và cảm nhận tình yêu bằng cái nhìn của ng 32;ời phụ nữ. Nó mang dấu ấn của tâm hồn Xuân Quỳnh - một người phụ nữ có cuộc đời ngược xuôi tất bật, một trái tim đa cảm nhưng tâm hồn dạt dào niềm tin và khát vọng sống. Vì vậy, "Sóng" là một phức điệu của những trạng thái vừa nồng nàn, mãnh liệt vừa đằm thắm, sâu sắc, vừa chân thành vừa suy tư.

Nhà phê bình nổi tiếng người Pháp J.M.Maulpoix từng nói: "Thơ là tự truyện của một khát vọng". "Sóng" chính là tự truyện của nhà thơ Xuân Quỳnh về khát vọng của một tình yêu chân chính.

Next Post Previous Post